Ngày 15/9/1974, tại Căn cứ Không quân Phan Rang, thuộc
sở hữu của Không quân Hoa Kỳ và Không quân Việt Nam Cộng hòa, một nhân viên trực
điện thoại đã nhìn thấy một chiếc máy bay hành khách lao xuống theo một góc
nghiêng nguy hiểm và phát nổ khi va chạm với đoạn cuối của đường băng.
“Rõ ràng là phi công đã mất kiểm soát chiếc máy bay, động tác đó không phải là động tác hạ cánh bình thường” – anh cung cấp thêm. Không lâu sau đó, chuyến bay được xác định mang số hiệu 706.
Một chiếc Boeing 727 tương tự chiếc máy bay trong vụ việc |
Chuyến bay 706 của Hãng hàng không Air Vietnam cất
cánh vào lúc 10h05 sáng ngày hôm đó, mang theo 75 người bao gồm 67 hành khách
và 8 thành viên phi hành đoàn. Theo lịch trình thường xuyên, máy bay cất cánh ở
Sân bay Đà Nẵng và hạ cánh ở Sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều cùng ngày. Nhưng ngày hôm đó, rõ ràng là chuyến bay đã
không thể tới được Sài Gòn.
Theo Đài phát thanh Chính phủ của Việt Nam Cộng hòa,
chỉ 36 phút sau khi máy bay cất cánh, một người đàn ông khoảng 40 tuổi, mặc
quân phục của Biệt động quân VNCH đã tiến vào buồng lái và yêu cầu được bay ra
Hà Nội, tên ông ta sau đó được xác định là Lê Đức Tân.
Lê Đức Tân là một thành viên của Biệt động quân VNCH,
và là người đã bị giáng chức vài ngày trước vì tội trộm cắp 2 chiếc xe hơi ở Đà
Nẵng. Sáng ngày 15/9/1974, hắn đã lọt qua được trạm kiểm soát an ninh ở sân bay
một cách suôn sẻ. Không rõ vì lí do gì mà hắn đòi phải được bay ra Hà Nội, một
số giả thiết cho rằng hắn muốn được cấp quyền tị nạn ở miền Bắc Việt Nam.
Theo tờ New York Times, một phiên bản của câu chuyện ghi lại rằng: phi công của chuyến bay là Trung úy Nguyễn Thanh Lịch đã nói với tên không tặc rằng máy bay sẽ phải tiếp nhiên liệu tại Phan Rang trước khi bay ra miền Bắc. Tuy nhiên, có lẽ vì tên không tặc lo sợ rằng ý đồ của phi công khi hạ cánh xuống một căn cứ của quân đội là để tạo cơ hội cho họ bắt giữ hắn nên ngay khi chiếc máy bay tiếp cận đường băng của Căn cứ không quân Phan Rang, Lê Đức Tân đã kích nổ 2 quả lựu đạn hắn mang theo mình, khiến máy bay bị mất kiểm soát. Một thông tin khác viết rằng đã có nổ súng bên trong máy bay, nhưng nó đã không được xác nhận.
Căn cứ Không quân Phan Rang năm 1968, vị trí rơi của máy bay ở bên phải hình |
Chiếc máy bay đã rơi xuống ở đoạn cuối đường băng vào lúc gần 11 giờ sáng, không có ai có mặt ở vị trí đó vì vậy không có người bị thương ở dưới mặt đất. Nhưng toàn bộ 75 người trên máy bay, bao gồm tên không tặc và 74 người khác, đã thiệt mạng. Cho tới nay, nó vẫn là vụ giết người hàng loạt lớn nhất do một cá nhân duy nhất gây ra tại Việt Nam.
Đống đổ nát của chiếc máy bay, ảnh cắt từ video |
Sau vụ việc, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cố gắng
thắt chặt kỉ luật quân đội, nhưng điều đó không bao giờ có thể thực hiện được
khi chính quyền càng ngày càng lâm vào khủng hoảng trầm trọng, và nó đã sụp đổ
chỉ hơn nửa năm sau đó. An ninh sân bay cũng càng được thắt chặt trên toàn thế
giới, nhưng nó cũng không thể ngăn được những vụ tấn công tương tự trên chuyến bay 858 của Korean Air năm 1987 và chuyến bay 103 của Pan Am năm 1988.