Trước tiên chúng ta phải tóm tắt một chút về hai cuộc chiến này.

Chiến tranh Triều Tiên (hoặc còn gọi là Chiến tranh Giải phóng Tổ Quốc như cách gọi của Bắc Triều Tiên), diễn ra từ ngày 25/6/1950 tới 27/7/1953 là một cuộc chiến tranh giữa quân đội Bắc Triều Tiên (được hỗ trợ bởi quân đội Liên Xô và Trung Quốc) và Hàn Quốc (được hỗ trợ chủ yếu bởi quân đội Hoa Kỳ).

Cuộc chiến mở đầu khi quân đội Bắc Triều Tiên tấn công Hàn Quốc vào ngày 25/6/1950, và cuối năm đó, quân đội Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tham chiến. Cuộc chiến đã kết thúc một cách không chính thức sau khi quân đội hai bên dừng lại ở vĩ tuyến 38 và kí kết hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm. Chính vì Hiệp định đó là hiệp định đình chiến nên có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc.

Quân đội Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên

Chiến tranh Việt Nam (hoặc Kháng chiến chống Mĩ cứu nước), được bắt đầu vào ngày 1/11/1955 (như nhiều tài liệu thống nhất với nhau) khi Phái bộ Cố vấn và Viện trợ Hoa Kỳ (MAAG) được thành lập ở miền Nam Việt Nam, và kết thúc với sự kiện 30/4/1975 khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa đầu hàng chính quyền Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây là cuộc chiến tranh giữa hai bên, một bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự hỗ trợ của các đồng minh trong Khối Warsaw mà chủ yếu là Liên Xô, Trung Quốc; bên còn lại là Việt Nam Cộng hòa với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và các đồng minh.

Quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam

Có rất nhiều người hiện nay đánh đồng hai cuộc chiến với nhau, đó là vì đều có một số điểm chung như: cả hai đất nước đều bị chia cắt, trong cuộc chiến đều có những sự hỗ trợ từ các siêu cường đối đầu nhau trong Chiến tranh Lạnh,… Vì vậy chúng ta hãy làm rõ sự khác nhau của hai cuộc chiến, đồng thời cũng làm rõ lí do vì sao bán đảo Triều Tiên rất khó có thể thống nhất (nếu như không muốn nói là không thể).

Sự khác nhau giữa chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Triều Tiên có thể được tổng hợp trong một số vấn đề sau:

1. Điểm xuất phát của các cuộc chiến:

Năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập từ Phát xít Nhật (đồng thời là Đế quốc Pháp) ngay sau khi quân đội Nhật Bản ở đây đầu hàng quân Đồng Minh. Cuối tháng 9/1945, quân đội Trung Hoa Dân quốc và quân đội Anh vào Việt Nam để giải giáp quân Nhật theo điều khoản của Hội nghị Yalta. Quân đội Trung Quốc giải giáp quân Nhật ở miền Bắc Việt Nam và quân Anh làm việc đó ở miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tuyên bố Việt Nam đã độc lập từ ngày 2/9/1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quân đội Pháp đi theo quân đội Anh xâm lược trở lại Việt Nam và người Việt Nam tiến hành kháng chiến chống Pháp. Năm 1955, theo điều khoản của Hiệp định Geneve, quân đội Pháp rút khỏi miền Nam Việt Nam, tuy nhiên sau đó người Mĩ đã thế chỗ người Pháp tại đây và đó là sự khởi đầu của Chiến tranh Việt Nam.

Quân đội Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương

Bán đảo Triều Tiên trong chiến tranh thế giới thứ hai cũng bị chiếm đóng bởi Phát xít Nhật, và quân đội các nước Đồng Minh, mà cụ thể ở đây là Liên Xô và Hoa Kỳ đã vào giải giáp quân Nhật ở đây, lần lượt ở Bắc và Nam Triều tiên. Khi đó, Triều Tiên vẫn chưa là một nước độc lập. Ngày 15/8/1948, chính phủ Hàn Quốc được thành lập và gần một tháng sau (9/9), chính phủ Bắc Triều Tiên được thành lập. Ngày 25/6/1950, quân đội Bắc Triều Tiên tấn công Hàn Quốc và khởi đầu cho cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Quân đội Bắc Triều Tiên trong Chiến tranh Triều Tiên

Kết luận: chiến tranh Việt Nam là xuất phát từ chiến tranh giành độc lập chuyển sang chiến tranh ủy nhiệm; còn chiến tranh Triều Tiên là xuất phát từ nội chiến chuyển sang chiến tranh ủy nhiệm.

2. Tính chính danh, hợp pháp của các chính quyền:

Trong chiến tranh Đông Dương và cả chiến tranh Việt Nam, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có đầy đủ những cơ sở, chứng cứ để khẳng định tính hợp pháp của mình. Và sự xâm lược của người Pháp càng khẳng định điều đó. Trong khi đó, bản thân sự ra đời của Việt Nam Cộng hòa cũng đã vi phạm Hiệp định Geneve mới kí một năm trước đó khi họ từ chối tổng tuyển cử (dự định diễn ra vào tháng 7/1956). Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã tổ chức bầu cử trên quy mô toàn quốc để lập ra chính phủ chính thức từ 1946.

Tổng tuyển cử ở Việt Nam năm 1946

Đồng thời, trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không bao giờ công nhận tính chính danh của Việt Nam Cộng hòa. Lãnh đạo của hai bên cũng chưa bao giờ có những cuộc gặp mặt song phương với nhau và không bao giờ đặt quan hệ ngoại giao.

Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên lẫn chính phủ Hàn Quốc đều không thể đưa ra đầy đủ chứng cứ, văn kiện để thể hiện tính chính thống của mình để có thể thống nhất đất nước, cả trong và sau chiến tranh. Hai bên tổ chức bầu cử lần đầu tiên cùng thời điểm, tức là họ đã tổ chức hai cuộc bầu cử để bầu hai chính quyền, không như Việt Nam. Chính quyền Hàn Quốc đã đề nghị Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước nhưng Bắc Triều Tiên tránh né việc này. Hơn nữa, cả hai chính quyền đều đã công nhận tính hợp pháp của nhau và có nhiều cuộc gặp song phương giữa các lãnh đạo và các quan chức cấp cao.  Cả hai nhà nước đều tham gia Liên Hợp Quốc vào ngày 17/9/1991.

Bầu cử ở Hàn Quốc năm 1948

Kết luận: trong chiến tranh Việt Nam, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận đối phương. Còn ở Triều Tiên, cả hai chính quyền đều đã công nhận nhau.

3. Vai trò quyết định của các nước trong chiến tranh:

Người Triều Tiên đã khởi đầu nhưng không được quyết định kết thúc của cuộc chiến tranh. Người Trung Quốc, Liên Xô và Hoa Kỳ đã tác động nhiều tới sự quyết định kết thúc chiến tranh. Các cuộc đàm phán để bàn về việc đình chiến đã được tổ chức bởi Lực lượng Liên Hợp Quốc và quân đội Trung Quốc.

Lễ kí kết Hiệp định đình chiến ở Bàn Môn Điếm

Người Việt Nam không chỉ có quyền quyết định sự khởi đầu mà còn là kết quả của cuộc chiến. Họ đã tự tổ chức kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp từ cuối năm 1946, và tự kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam bằng sự sụp đổ của Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Sài Gòn được giải phóng ngày 30/4/1975

Kết luận: người Việt Nam đã tự quyết định sự khởi đầu và kết thúc chiến tranh, người Triều Tiên thì đã không làm được việc đó, mà là bị tác động bởi các nước khác.

Qua những vấn đề được nêu trên, chúng ta có thể khẳng định rằng: chiến tranh Triều Tiên có những điểm khác biệt lớn với chiến tranh Việt Nam. Vì vậy, những ý kiến cố gắng đánh đồng hai cuộc chiến với nhau là không chính xác.