Saigon Execution (hay vụ hành quyết ở Sài Gòn), là tên gọi của một bức ảnh được chụp vào năm 1968 bởi Eddie Adams, một phóng viên của hãng Associated Press. Khó mà có thể nói bức ảnh đã có sức ảnh hưởng lớn như thế nào, tới nỗi mà bức ảnh đã được công nhận như một thứ đã thay đổi hoàn toàn Chiến tranh Việt Nam. Năm 2007, bức ảnh đã được tạp chí Mental Floss bầu chọn là một trong 12 tấm ảnh đã làm thay đổi bộ mặt thế giới.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều chỉ quan tâm về sức ảnh hưởng của bức ảnh mà lại ít tìm hiểu về những thông tin chi tiết về bản thân nó. Giống như một số nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, vì những hoàn cảnh khác nhau, thông tin chi tiết về họ dường như bị chôn vùi, và chỉ có sự ảnh hưởng của họ là nhận được sự quan tâm. Bức ảnh Saigon Execution cũng vậy, bức ảnh được chụp khi nào, ở đâu, những thông tin đó không bao giờ thống nhất được khi nhiều nguồn tin khác nhau lại đưa ra những thông tin khác nhau.

Trên đây là một góc quay khác về vụ hành quyết, được ghi lại bởi phóng viên người Úc của đài ABC Neil Davis.

Nhưng trước hết là hãy tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của bức ảnh đã làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam này đã.

Đêm 30 rạng sáng 31/1/1968, lực lượng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hay còn được gọi là Việt Cộng (VC), mở chiến dịch quy mô nhất trong Chiến tranh Việt Nam – Chiến dịch Tết Mậu Thân. Lực lượng của Mặt trận đã tấn công vào hầu hết các đô thị lớn và vùng nông thôn tại miền Nam Việt Nam ở thời điểm đó. Riêng tại Sài Gòn, họ đã tấn công vào nhiều cơ quan đầu não của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, làm tê liệt tạm thời nhiều cơ sở và khiến cho quân đội của Hoa Kỳ và VNCH bị bất ngờ.

Sài Gòn trong trận đánh

Trong trận đánh tại Sài Gòn, một người nằm trong lực lượng của quân Giải phóng bị bắt giữ. Thời gian của vụ bắt giữ vẫn chưa được thống nhất. Theo BBC và nhiều tờ báo khác, đó là ngày 1/2/1968; một nguồn tin khác từ Associated Press, thì đó là ngày 5/2. Hiện nay hầu hết các hãng truyền thông cũng như các tờ báo đều thống nhất là ngày 1/2. Thậm chí tên người bị bắn trong ảnh cũng đang tranh cãi, tuy nhiên cũng như thời điểm bức ảnh được chụp, hầu hết mọi người đều thống nhất là Nguyễn Văn Lém.

Về địa điểm chụp ảnh, cũng có rất nhiều thông tin khác nhau được đưa ra, bởi vì trong hoàn cảnh chiến tranh, người ta không thể lưu lại thông tin đầy đủ cho bức ảnh, vì vậy chỉ có thể suy đoán từ những manh mối bên trong chính bức ảnh.

Nếu như chúng ta chỉ nhìn vào bức ảnh gốc, thì khó có thể tìm ra được điểm nào có thể dùng làm manh mối. Ở ngay chính giữa bức ảnh, ta có thể thấy một tòa nhà cao tầng màu trắng, nhưng ở góc độ đó, chúng ta khó mà nhận ra tòa nhà đó là tòa nhà nào.

Tuy nhiên, ít phút trước khi bức ảnh nổi tiếng được chụp, có một bức ảnh khác cũng chụp vụ bắt giữ, nó cho chúng ta cái nhìn cận cảnh hơn về tòa nhà màu trắng bí ẩn kia.


Và với bức ảnh này, không quá khó để nhận ra địa điểm này chính là giao lộ Ngô Gia Tự - Sư Vạn Hạnh – Vĩnh Viễn nằm ở phường 3, quận 10. Địa điểm này ngày nay chính là một khu nhà cho thuê, còn ngay trước tòa nhà là một tấm bia tưởng niệm. Và khi đã có thông tin về địa điểm này, thì chúng ta có thể tiến tới thêm vài trăm mét. Và địa điểm chính xác đó là nhà số 197 Ngô Gia Tự, và chúng ta sẽ so sánh bức ảnh Saigon Execution với một bức ảnh được thực hiện vào năm 2016 bởi một người Mĩ sống ở Việt Nam – Paul Blizard, và ta có thể thấy nhiều sự tương đồng.

Bên trong bức ảnh thời hiện đại này, có một căn nhà vẫn giữ nguyên vẹn hiện trạng kể từ năm 1968, đó là căn nhà thấp màu xám, ban công của nó bị chia đôi bởi một cây cột nhỏ. Ở bức ảnh năm 1968, nó nằm ngay trên đầu của Nguyễn Văn Lém – người bị bắn.

Nếu như bạn muốn có tọa độ chính xác, click vào đây.