Ngày 29/10/2002

Đó là một ngày nắng đẹp ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Không khí mát lạnh ngập tràn trên khắp các con đường ở trung tâm thành phố. Dư âm của một mùa mưa đã qua vẫn còn đó, mặc dù, người ta không còn phải gặp sự phiền toái tới từ những cơn mưa rào bất chợt.

Đó là đầu thập niên 2000, Thành phố Hồ Chí Minh vừa có một chút nét hiện đại và phát triển nhờ chính sách đổi mới được thông qua cách đó hơn 10 năm. Thành phố là một trong những nơi được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nhiều nhất, càng ngày càng có nhiều người làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia.

Tọa lạc tại một trong những khu đất vàng của thành phố, Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) là một trong những biểu tượng cho sự phát triển đó. Tầng đầu tiên bao gồm những cửa hàng sang trọng, chủ yếu bán đồ trang sức và đồ lưu niệm cho những vị khách du lịch ghé lại nơi đây; tầng thứ hai là một vũ trường do một doanh nhân người Mĩ gốc Việt làm chủ, 2 tầng tiếp theo là nơi tập trung gần 50 văn phòng của các công ty trong nước và quốc tế. Những tầng còn lại là nhà hàng. Tất cả đều nằm trong một khối nhà được xây dựng từ thời chiến tranh Việt Nam, trước đây nó tên là Crystal Palace.

Tòa nhà Crystal Palce năm 1968

Buổi chiều ngày hôm đó, Khải Định, một trong những DJ chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, đậu xe trước tòa nhà. Khải Định phục vụ ở vũ trường trên tầng hai, có tên là Blue Disco, là một trong những nơi sôi động nhất về đêm ở thành phố. Anh lên đó để chuẩn bị cho phần trình diễn của mình vào buổi tối.

Mặc dù vậy, anh không bước vào Blue, nhưng lên tầng 3 để gặp người chủ và những nhân viên ở đó. Vũ trường đang được sửa chữa, lắp đặt thêm những tấm cách âm dày để ngăn sự ồn ào náo nhiệt bên trong thoát ra ngoài.

“Tôi bắt đầu nhận thấy khói bốc ra từ quán khi tôi đi xuống cầu thang” Khải Định nhớ lại, rùng mình. “Mùi nhựa cháy lan trong không khí”.

Anh chạy lên tầng ba để cảnh báo mọi người.

Nhưng ngay từ thời điểm đó, tình huống đã trở nên nghiêm trọng. Chiếc cầu thang đóng vai trò là lối thoát hiểm duy nhất cho cả tòa nhà đã trở thành một ống khói khổng lồ, đưa đám khói mù mịt và độc hại lan khắp tòa nhà. Chuông báo cháy kêu inh ỏi, hàng trăm con người đổ ra các hành lang và chạy tán loạn.

“Nó (ngọn lửa) lan quá nhanh. Mọi người bắt đầu hoảng sợ”. Điều duy nhất anh nghĩ tới là phải tìm một nơi mà mình có thể hít thở.

Không nghĩ gì thêm, và bản năng sinh tồn của anh đã trỗi dậy. Khải Định tìm đường chạy lên tầng thượng.

Lửa và khói tràn ra từ tầng 2, nơi xuất phát đám cháy

Khi ngọn lửa trở nên mất kiểm soát, những người dân sống trong khu vực lân cận đã vội vã rời khỏi nơi ở của mình, di dời đồ đạc tới nơi an toàn.

14h chiều, gần như tất cả lực lượng chữa cháy và y tế trong thành phố đã tập trung quanh khu vực tòa nhà để tham gia công tác cứu hỏa và cứu hộ. Ngọn lửa và khói giờ đây đã giống như một con quái vật, nhốt lại những người còn sống sót bên trong một khối kiến trúc từa tựa lô cốt.

“Mọi người có thể thấy được nỗi sợ hãi đang bủa vây khắp nơi, như một cơn sóng dữ”

Khói đen bao trùm cả khu vực rộng lớn

Mark Gillin, một người Mỹ, đã ở Việt Nam gần được 10 năm ở thời điểm đó. Anh đã làm công việc bán phụ tùng tàu thủy trước khi bỏ vốn làm ăn tại thành phố này.

Gillin lúc đó đang ở trong một quán cà phê, chờ giáo viên Tiếng Việt của anh, mà lẽ ra ông sẽ tới vào lúc 1h chiều. Lúc đó là cuối tháng 10, thời tiết lẽ ra rất tuyệt vời. Nhưng khi Gillin nhìn ra cửa sổ, cả bầu trời đã đặc kín khói đen. Cách đó chỉ vài bước chân, một cột khói khổng lồ đang bủa vây khu trung tâm thương mại nổi tiếng. Mọi người trong quán lao ra ngoài.

Lúc này, những gì đang xảy ra tại tòa nhà ITC đã thu hút sự chú ý của cả nước. Dư âm của sự kiện 11/9 diễn ra cách đó chỉ 1 năm vẫn còn, và một số người đã nghĩ rằng thành phố đang bị tấn công. Mọi người tụ tập đông đúc trên những con đường, ngơ ngác nhìn. Ở cổng chính – lối thoát duy nhất cho cả tòa nhà, dòng người đang đổ ra để thoát khỏi đám cháy.

Tòa nhà đã được xây dựng trong thời kì nóng nhất của chiến tranh, vì vậy nó đã được thiết kế để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công vào nó. Giờ đây, những thứ vốn dĩ được dùng để bảo vệ những người bên trong, lại ngăn người ta thoát ra ngoài.

Video: một trong những video quay lại toàn cảnh hiện trường vụ cháy.


Khải Định lúc này đã leo lên được tới tầng thượng tòa nhà.

Cùng ở với anh trên sân thượng là hơn 20 người khác. Khi họ chạy được lên sân thượng, họ đã tường rằng họ sẽ thoát, lực lượng cứu hỏa sẽ nhanh chóng tới hiện trường cứu họ. Nhưng khi khói bắt đầu tấp lê, Khải Định không thể thở nổi. Anh trèo vào một bồn nước khổng lồ gần đó để tránh nóng và tránh ngạt. Anh áp mặt vào chiếc áo thun đã được nhúng nước. Sau khoảng 20 phút, nước nóng lên, Định lại trèo ra ngoài và ngã lên trên mái tôn tòa nhà. Lúc này nó đã giống như một cái chảo và bản thân Khải Định là một miếng thịt ở trên đó.

Anh không hề thấy đau, có lẽ là do mọi giác quan của anh đang tập trung để thoát khỏi lằn ranh sinh tử. Anh nhìn đồng hồ, nhận ra mình đã ở trên này được nửa tiếng. Những người còn lại trên tầng thượng bây giờ không còn ở đó nữa. “Chắc là họ đã nhảy xuống và chết hết” – Định nghĩ.

Xe cứu hỏa tại hiện trường

“Tôi không thể nào quên được hình ảnh đó” – Mark Gillin nhớ lại. Có nhiều người bước ra với đồng phục áo sơ mi trắng, quần đen và váy đen. Họ là những nhân viên từ một công ty bảo hiểm.

Đó là ngày cuối cùng của khóa đào tạo nhân viên với sự tham gia của hơn 140 người do công ty AIA (American International Assurance) điều hành. Họ chỉ mới thức dậy sau giấc ngủ trưa.

“Lửa bùng lên dưới chân, mọi người xô đẩy nhau nhảy xuống tầng năm của tòa nhà bên cạnh. Tôi cũng nhảy theo, gãy chân, đang cố gắng bò ra ngoài thì nhân viên cứu hộ bế xuống” – một nhân viên AIA nhớ lại. Công ty này đã mất 23 người vào ngày hôm đó, họ đều là những người trẻ tuổi, và tương lai đang chờ đợi họ phía trước.

Một số người đang leo xuống từ những tầng cao, rất nhiều người đã không được may mắn như họ.

15h chiều, hàng nhục vòi cứu hỏa phun nước vào bên trong tòa nhà. Lượng nước đó phần thì bị chắn lại bởi kết cấu tòa nhà, lượng khác lại bị bốc hơi trước sức nóng lên tới 1000 độ C.

“Nhiều cánh tay vẫy ở ban công, cửa sổ. Họ la hét, nhưng chỉ cần một cơn gió bay qua, mang theo đám khói ập xuống, thì tất cả im bặt”.

Đám đông sợ hãi hét lên khi một số người bắt đầu nhảy xuống từ các tầng cao. Khi họ phải lựa chọn việc chết cháy và việc chết vì rơi, họ đã hi vọng một cái chết nhẹ nhàng và nhanh chóng. Một số người đã chết sau các cú nhảy, một số người bị tàn phế.

Khi ngọn lửa được khống chế và khói đã bớt dày, những xác người bị cháy dần xuất hiện ở tầng bốn và tầng năm tòa nhà. Lực lượng cứu hỏa đã phải phá tường, đột nhập vào dập lửa từng khu vực.

Huỳnh Văn Phón, một nhân viên cứu hỏa đang tiếp cận được tầng tượng bằng một cái thang dài. Phón có thể nhìn thấy nhiều xác người, họ đã chết ngạt hoặc chết vì ngã. Anh nhận ra một người đàn ông đang vật lộn với khói ở đó khi những người bên dưới hét lớn và bảo rằng trên đó vẫn còn người. Phón kêu gọi Định phải bình tĩnh. Người lính cứu hỏa hướng dẫn anh trèo thang xuống từng bước một. Khi Định xuống được dưới đất, anh đã ngất xỉu vì kiệt sức. Anh đã sống sót, và là người duy nhất được cứu từ tầng thượng.

Lính cứu hỏa đang dùng thang để giải cứu những người mắc kẹt trên cao


“Chúng tôi chưa sẵn sàng cho một vụ cháy lớn như vậy ở trung tâm thành phố”

Các nhân viên cứu hỏa đã có mặt 15 phút sau khi đám cháy bắt đầu. Nhưng khi đó tình trạng hỗn loạn đã xuất hiện. Sự thiếu kinh nghiệm và bất ngờ đã kìm hãm họ. Trong hơn 400 lính cứu hỏa tại hiện trường, chỉ có một số ít là được trang bị đồ bảo hộ hoặc mặt nạn phòng độc.

“Chúng tôi thiếu đồ bảo hộ” – Huỳnh Văn Tuấn, một trong những người đầu tiên ở hiện trường cho biết. Mỗi khi có gió thổi qua, ngay cả lính cứu hỏa cũng bị ngạt thở. “Nó giống như ngày 11/9 của chúng tôi vậy”.

Những vòi rồng trong khu vực đã có từ trước năm 1975 đã không thể đáp ứng được nhu cầu chữa cháy. Lực lượng cứu hỏa đã phải bơm nước từ sông Sài Gòn để dập lửa.

Vào lúc 19h tối, ngọn lửa đã được dập tắt. 60 người đã chết, và hơn 100 người bị thương trong một trong những thảm họa thời bình chết chóc nhất Việt Nam hiện đại. Nguyên nhân của vụ việc đã được xác định là do những người thợ hàn, lúc đó đang sửa chữa vũ trường Blue trên tầng 2, đã vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy. Các tia lửa đã bắn vào những tấm xốp dễ cháy. Không những vậy, họ còn tỏ ra vô trách nhiệm khi bỏ trốn khỏi hiện trường khi đám cháy chỉ mới bắt đầu. Tất cả những người có liên quan đã bị tuyên án tù từ hai tới bảy năm trong một phiên tòa diễn ra vào năm 2005.

Tòa nhà vào đêm hôm đó khi ngọn lửa đã được dập tắt

Nhiều năm sau

Hải Đăng, nhân viên cũ của AIA, đang trau chốt những chi tiết cuối cùng cho đoạn video 7 phút để tưởng nhớ 23 nhân viên đã thiệt mạng. Anh đã chuẩn bị cho một chuyến đi lên lại Thành phố Hồ Chí Minh để thắp nhang cho những người đã chết. “Nó nhanh quá” – anh nói.

Đỗ Minh Huy, cũng là một trong những người sống sót sau khi nhảy từ tầng 5 xuống. Anh bị gãy cột sống, và tổn thương nhiều bộ phận khác. Anh đã phải dùng nạng và xe lăn suốt phần đời còn lại.

“Có những buổi sáng thức dậy, nhìn thấy cây gậy bên cạnh, tôi bực bội nghĩ tại sao mình lại phải như thế này? Nhưng rồi mỗi lần ăn một món ngon, xem một cuốn phim hay, du lịch tới một thắng cảnh, tôi lại thấy mình may mắn hơn 60 người khác đã phải ra đi trong ngọn lửa”.

Anh Hải Đăng hay Minh Huy, cũng giống như nhiều người khác, họ đã học được cách quý trọng cuộc sống, cảm ơn cuộc đời.

Ông Huỳnh Văn Phón, lúc này đã là thiếu tá. Ông nói rằng trong suốt 15 qua, ông luôn muốn gặp lại nam thanh niên đã được ông giải cứu ngày nào. Đó là người đầu tiên ông trực tiếp giải cứu, vì lúc đó ông chỉ làm việc lái xe cứu hỏa.

“Tôi muốn tìm lại nam thanh niên đó để biết anh ấy sống như thế nào, nhưng không biết anh là ai để gặp. Tôi chỉ nhớ tướng người nhỏ nhỏ, ốm ốm cùng đôi bàn chân tróc hết da…”

Ôm chặt người lính cứu hỏa, Khải Định cảm ơn ân nhân đã cứu sống mình trên nóc tòa nhà ITC.

Thiếu tá Huỳnh Văn Phón và DJ Khải Định gặp lại nhau sau 15 năm (2017)

Sau khi Khải Định vào bệnh viện Chợ Rẫy, anh nhận được tin người bạn gái đã có thai.

“Em quá may mắn. Người vợ tương lai, hai đứa con song sinh đã không mất chồng, mất cha. Anh là ân nhân cứu mạng em. Em cảm ơn anh. Sau biến cố ITC, em bây giờ sống có trách nhiệm hơn, vui hơn và trân trọng cuộc sống hiện tại của mình” – Định nói.

Sau vụ cháy ITC, lãnh đạo thành phố và Bộ Công an đã nâng cấp lực lượng phòng cháy chữa cháy. Họ đã được trang bị các phương tiện đầy đủ hơn, đào tạo chuyên nghiệp hơn.

Khu đất nơi tòa nhà ITC từng đứng vững ngày nay

Tòa nhà bị cháy đã không còn được khai thác, nó đã bị phá hủy ít lâu sau. Hiện nay, khu vực này vẫn còn trống, không hề có một công trình nào đã được xây dựng. Người ta đồn rằng khu đất đã bị ám. Những dấu vết của thảm họa năm xưa đã biến mất theo năm tháng, nhưng những kí ức kinh hoàng của những người đã chứng kiến, đã tham gia chữa cháy, vẫn còn mãi.

Nguồn tham khảo: VnExpress, aFamily, Thể thao & văn hóa, Wikipedia, và một số nguồn khác.