SỰ THẬT ĐẰNG SAU BỨC ẢNH NỔI TIẾNG "CUỘC TẤN CÔNG CUNG ĐIỆN MÙA ĐÔNG"

Bức ảnh “Cuộc tấn công Cung điện mùa Đông” từ lâu đã được coi như là một trong những biểu tượng của cuộc Cách mạng tháng 10 Nga vào ngày này 104 năm trước. Nó đã hình tượng hóa sự sụp đổ của chính quyền lâm thời Nga, vốn được thành lập sau cuộc Cách mạng tháng Hai trước đó, ngay tại chính sào huyệt cuối cùng.

Vì tính chất đó mà bức ảnh này đã được chính quyền Liên Xô dùng để tuyên truyền trong suốt thời gian dài, và hàng loạt sách báo trên toàn cầu cũng đã sử dụng nó trong rất nhiều bài viết về sự kiện có sức ảnh hưởng lớn tới thế giới này. Mặc dù đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới, được sử dụng hàng triệu lần ngay cả trong các sách giáo khoa, biên niên sử ở nhiều nước, nhưng bức ảnh lại hóa ra là một tác phẩm được dàn dựng.

Cung điện mùa Đông

Bức ảnh đó mô tả cuộc tấn công vào Cung điện mùa Đông bởi lực lượng Bolshevik (những người cộng sản), một phần của cuộc Cách mạng tháng 10 Nga. Cuộc tấn công này đã đánh vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền lâm thời lúc bấy giờ, những người Bolshevik đã chiến đấu anh dũng để chiếm giữ tòa nhà, và bắt giữ hầu hết những người có chức vụ cao nhất của nó. Chính quyền lâm thời nhanh chóng bị sụp đổ và nhũng người Bolshevik nhanh chóng lên nắm quyền lãnh đạo nước Nga. Đó chính là những gì mà bộ máy tuyên truyền của Liên Xô cũng như nhiều tài liệu khác đã tường thuật. Nhưng thực tế nó diễn ra như thế nào?

Vào buổi tối ngày 7/11/1917 (25/10 theo lịch của Nga sử dụng lúc đó), lực lượng Bolshevik gồm hơn 40 ngàn người đã bao vây Cung điện mùa Đông ở thành phố Petrograd (nay là Saint Petersburg). Những người bên trong tòa nhà đã không hề chống trả, và lúc 8 giờ tối, khoảng 200 lính cossacks (lính của chính quyền lúc đó) đã rời khỏi cung điện và về lại doanh trại. Trong lúc những quan chức của chính quyền đang tranh luận với nhau về việc phải phản ứng như thế nào, thì những người lính Bolshevik đã ra tối hậu thư yêu cầu những người trong tòa nhà phải đầu hàng. Nội các của chính quyền không thể liên lạc ra bên ngoài do các trạm điện báo đã bị chiếm.

Lúc 9 giờ 45 phút tối, tuần dương hạm Rạng Đông bắn một phát đạn từ bến cảng thành phố, và những người Bolshevik đột nhập vào tòa nhà dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Vladimir Antonov-Ovseenko. Sau vài giờ lùng sục, những người Bolshevik đã tìm thấy phòng họp nơi các quan chức của chính phủ lâm thời đang ở đó, hoàn toàn không được bảo vệ. Antonov-Ovseenko lập tức bắt giữ họ và đảm bảo sự an toàn cho tất cả các quan chức đó.

Bên trong cung điện sau vụ tấn công

Một trong những câu chuyện thú vị là bên trong tòa nhà có một hầm rượu lớn. Để tránh việc các binh lính của mình uống rượu và trở nên vô kỷ luật, chỉ huy Antonov-Ovseenko đã ra lệnh bắn hết các thùng rượu đó. Một lượng lớn rượu chảy ra ngoài đường, và trở thành cảm hứng cho các câu chuyện thêu dệt sau này về việc rất nhiều máu đã đổ trong tòa cung điện khi giao tranh xảy ra.

Vài giờ sau, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai đã được tổ chức ở đó.

Quay trở lại bức ảnh, trên thực tế thì chẳng hề có một bức ảnh nào ghi lại khoảnh khắc Cung điện mùa Đông bị chiếm, hay là có một bức ảnh nào sống sót qua hơn 100 năm lịch sử đầy biến động. Nhưng ngay cả khi có sẵn máy ảnh ở đó, thì việc ghi lại một bức ảnh như thế là điều bất khả thi, vì đơn giản là chẳng hề có sự kiện nào như vậy xảy ra cả. Cung điện mùa Đông đã bị chiếm mà không hề có giao tranh đụng độ gì giữa các bên, nó giống như một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình hơn là một cuộc giành giật đầy gay cấn và kịch tính.

Nhưng tất cả chúng ta, khi đã biết được thực hư câu chuyện, thì cũng dễ dàng phán đoán được bức ảnh là thật hay giả. Kể cả trong câu chuyện được tuyên truyền hay là câu chuyện thực tế thì cuộc tấn công cũng diễn ra vào ban đêm, mà rõ ràng là khi ta nhìn vào bức ảnh, ta dễ dàng nhận thấy nó được chụp vào ban ngày.

Năm 1920, để kỉ niệm 3 năm của cuộc Cách mạng tháng 10, một giám đốc nhà hát người Nga tên là Nikolai Evreinov đã nhận lời để dàn dựng lại những gì đã xảy ra tại Cung điện mùa Đông. Và bức ảnh nổi tiếng đã được chụp lại trong một buổi diễn tập của các diễn viên trước ngày biểu diễn chính thức. Đó là lí do vì sao cảnh tượng trong bức ảnh là ban ngày.

Bức ảnh gốc trước khi chỉnh sửa, cho thấy có nhiều người hơn đang đứng xem buổi diễn tập, và một cái tháp nhỏ dành riêng cho đạo diễn để chỉ đạo

Một hình ảnh khác của buổi diễn tập

Buổi tái hiện sự kiện Cách mạng tháng 10 vào năm 1920 là một trong những buổi biểu diễn công khai lớn nhất, ấn tượng nhất từng được tổ chức, với hơn 10 ngàn người tham gia và được hơn 100 ngàn người theo dõi trực tiếp. Dưới sự chỉ đạo của Evreinov và các đồng sự, một số sự kiện trong cuộc Cách mạng tháng 10 đã được điện ảnh hóa, và cuộc tấn công Cung điện mùa Đông là một trong số đó. Vì vậy, cuộc tấn công Cung điện mùa Đông, vốn dĩ là một cuộc chuyển giao quyền lực im ắng, trở nên kịch tính hơn rất nhiều. Cuộc đấu tranh giành chính quyền đã trở nên khốc liệt hơn, và điều đó càng thể hiện rõ sự anh hùng của những người Bolshevik đã chiến đấu trong những ngày mùa đông năm 1917. Mặc dù những sự kiện đó không hề diễn ra trong thực tế, nhưng căn cứ vào tình hình của nước Nga năm 1920, vốn mới kết thúc cuộc nội chiến với những lực lượng chống cộng sản, thì việc mang lại ý nghĩa cho cuộc Cách mạng tháng 10 và tôn vinh những người Bolshevik như những anh hùng là điều cần thiết.

Nikolai Shubski, một trong những người đã chứng kiến buổi biểu diễn ở Petrograd năm 1920, đã kể lại một cách khá chi tiết sự hoành tráng của sự kiện. Bài Quốc ca Pháp và Quốc tế ca vang lên, tiếng động cơ và tiếng súng réo ầm ĩ khi những người lính tấn công Cung điện mùa Đông, bóng dáng của những người bên trong đang giành giật từng phần của tòa nhà, và cuối cùng là đám đông bên ngoài được thông báo về chiến thắng của phe Bolshevik. Sau đó, pháo hoa được bắn lên bầu trời.

Bạn có thể xem một phần buổi biểu diễn tại đây.

Shubski kết thúc lời kể của mình bằng việc kể lại rằng anh ta đã nghe được lời một người cựu binh đã tham gia vào cuộc tấn công thật sự đã thốt lên khi xem buổi biểu diễn, ông ta nói rằng: “Bọn họ bắn ít hơn vào năm 1917!”