KARACHAY – HỒ CÓ KHẢ NĂNG GIẾT NGƯỜI

Ở phía Đông dãy núi Ural của nước Nga rộng lớn, có một hồ nước nhỏ tuyệt đẹp, nhưng từ lâu nó đã bị gắn cho cái tên gọi là "hồ tử thần" hay "hồ nước giết người vô hình" - đó chính là hồ Karachay. Giống như hòn đảo Gruinard ở nước Anh, cái hồ không hề có khả năng giết người cho tới khi sự can thiệp của con người khiến nó trở nên như vậy. Trong trường hợp của hồ Karachay, đó là do những hoạt động của một cơ sở hạt nhân ở gần đó, cơ sở đó chính là nhà máy xử lí chất thải hạt nhân Mayak. Những hoạt động của cơ sở hạt nhân Mayak đã khiến cho việc đơn thuần đứng bên cạnh hồ cũng đồng nghĩa với việc tự sát, vì hồ có thể giết chết bất cứ ai đứng gần nó, kể cả chỉ trong vài phút.

Sự khởi đầu

Tên gọi Karachay có nghĩa là “hồ nước đen” trong một số ngôn ngữ địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hồ Karachay nằm ở gần thành phố Chelyabinsk, và ở gần nó là một số hồ lớn khác. Việc một số lượng lớn hồ tập trung ở khu vực này là một trong những nguyên nhân khiến cho nó được chọn là nơi xây dựng nhà máy hạt nhân Mayak vào năm 1946. Nhà máy Mayak được chính phủ Liên Xô xây dựng để phát triển dự án bom hạt nhân đầu tiên của nước này, vì những lò phản ứng hạt nhân luôn phải được làm mát bằng nước.

Do sự gấp rút của chương trình hạt nhân mà các quy định về an toàn phóng xạ tại đây đã bị bỏ qua, và chính vì vậy hồ lớn nhất trong khu vực – hồ Kyzyltash – vốn chỉ được dùng để cung cấp nước làm mát cho các lò phản ứng, đã bị ô nhiễm bởi chất thải phóng xạ từ nhà máy. Vì vậy nhà máy cần một hồ khác để chôn lấp và làm mát các chất thải phóng xạ nhiệt độ cao, và đó là hồ Karachay. Những thùng bê tông chứa chất thải được đặt bên dưới hồ Karachay cho tới khi chúng nguội xuống và đủ tiêu chuẩn để được chôn dưới lòng đất nhà máy.

Hồ Karachay ở phía trước, đằng sau là cơ sở hạt nhân Mayak, và góc trên bên trái là hồ Kyzyltash

Vụ nổ Mayak

Hồ Karachay đã được sử dụng như vậy cho tới ngày 29/9/1957, khi một trong 14 thùng chứa chất thải phóng xạ ở Mayak phát nổ, vụ nổ lớn tới mức tường của một số tòa nhà cách hiện trường tận 200m bị thổi sập. Sau vụ nổ, cột khói và bụi bốc cao hơn một ngàn mét, bụi phóng xạ phát ra ánh sáng màu đỏ cam và đọng lại trên các tòa nhà trong khu vực và người dân địa phương, và khắp nơi đều ghi nhận sự gia tăng nồng độ phóng xạ mạnh. Đây chính là thảm hoạ hạt nhân tồi tệ thứ nhì trong lịch sử, chỉ đứng sau thảm họa Chernobyl gần 30 năm sau.

Vụ tai nạn đã gây ra ô nhiễm trên diện rộng toàn bộ khu vực Mayak cũng như một vùng rộng lớn ở Đông Bắc Liên Xô. Sự việc khiến cho chính quyền phải tìm cách để xử lí chất phóng xạ và tránh sự chú ý của quốc tế. Bãi rác phóng xạ đã được mở rộng ra và trải dài trên nhiều hồ và bao gồm cả con sông Techa gần đó, vốn là nơi tập trung của nhiều làng mạc. Khoảng 65% người dân sống ven sông Techa đã được ghi nhận là bị mắc bệnh gây ra bởi việc bị phơi nhiễm phóng xạ.

Một tòa nhà bị bỏ hoang sau thảm họa Mayak

Hồ tử thần

Trong suốt 45 năm, Mayak luôn được giữ bí mật trước sự dòm ngó của người nước ngoài. Mãi tới năm 1992, Tổng thống Nga Boris Yeltsin quyết định mở cửa khu vực này, và các nhà khoa học phương Tây mới có cơ hội thâm nhập vào Mayak. Ngay sau đó, nơi này đã được tuyên bố là một trong những nơi ô nhiễm nhất hành tinh. Suốt nửa thế kỉ, ước tính hơn 4 tỉ lít nước trong khu vực đã bị nhiễm phóng xạ nặng, và hồ Karachay là nơi bị nặng nhất. Chỉ cần đứng bên cạnh hồ vài phút, một người trưởng thành có thể hấp thụ lượng phóng xạ tương đương với việc đứng trước nhà máy Chernobyl vào rạng sáng ngày 26/4/1986.


Vào những năm 1960,, hồ Karachay bắt đầu bị khô cạn, và lượng phóng xạ xung quanh bắt đầu tăng lên. Đặc biệt, trong năm 1968, một đợt hạn hán đã khiến hồ bị khô cạn, gió đã mang theo bụi phóng xạ và chiếu xạ cho hơn nửa triệu người. Chính phủ Liên Xô đã phải hành động. Từ năm 1978 tới năm 1986, hồ đã dần dần bị lấp lại bởi hơn một vạn khối bê tông để ngăn sự di chuyển của trầm tích dưới đáy hồ. Công việc được tiếp tục vào năm 2000 và phần cuối cùng của hồ đã được lấp đầy vào năm 2016.

Hồ Karachay sau khi bị lấp, nhìn từ vệ tinh

Sự kết thúc


Hồ Karachay hiện nay đã không còn, và nước của con sông Techa gần đó đã được xử lí tới mức gần như không còn phóng xạ, mặc dù vậy, người dân xung quanh được khuyến cáo là không nên sử dụng nước của con sông ít nhất là vài trăm năm nữa.


Nhà máy Mayak đã bị đóng cửa vào năm 2003 do vi phạm các quy định an toàn hạt nhân, điều tích cực là ít ra là nhà máy cũng đã bị cấm hoạt động, không giống như thời Liên Xô. Ngày nay, bạn hoàn toàn có thể đứng bên cạnh nơi từng là hồ Karachay mà cơ thể bạn vẫn không bị hại gì, nhưng đó chỉ là trên lý thuyết, vì chẳng ai đủ mạo hiểm để làm việc đó.