Buổi sáng ngày 19/11/1978, David Netterville, một phi công lái máy bay chiến đấu làm việc tại Căn cứ Howard, Panama, thuộc sở hữu của Không quân Hoa Kỳ, cùng với bảy người khác nhận được cuộc gọi yêu cầu họ đóng gói hành lý trong vòng 24 giờ. Họ không hề được tiết lộ thông tin về nơi họ sẽ tới hay họ phải làm gì. Họ chỉ được lệnh là phải đóng gói đồ đạc và tới nơi thực hiện nhiệm vụ càng sớm càng tốt.
Cho tới khi đang ở trên máy bay vận tải, Netterville mới được biết chuyện
gì đang xảy ra. Leo Ryan, một nghị sĩ tới từ California và những người phục vụ
đã bị bắn chết bởi những thành viên của một giáo phái nào đó ở Guyana (Nam Mỹ),
và họ đang tới để điều tra vụ việc.
Hóa ra, sự việc không đơn thuần chỉ là điều tra. Những gì Netterville
nhìn thấy khi tới Guyana là một cơn ác mộng thật sự. Trong một vùng rừng rậm hẻo lánh,
nhóm đã tìm thấy một khu định cư nhỏ gồm các tòa nhà tạm bợ. Bên cạnh và bên
trong những tòa nhà đó là hàng trăm thi thể đang phân hủy, nằm trên bãi cỏ.
“Ban đầu con số được thống kê là khoảng 400 thi thể.” – anh nhớ lại.
“Nhưng vì có nhiều thi thể nằm chồng lên nhau nên con số đó càng tăng lên hàng
ngày”. Nhóm tiếp tục nâng con số lên từ 400 lên 700 và hơn nữa.
Ở thời điểm đó, có rất ít thông tin về Jonestown (tên khu định cư) hoặc những gì đã xảy ra ở đó. Những người như Netterville đã phải đối mặt với quy mô bất ngờ của thảm họa và thử thách phải đưa tất cả những người Mỹ đã chết ở đây về nước.
Trực thăng tham gia cứu hộ ở Jonestown |
Kể từ đó tới nay, đã 43 năm trôi qua, nhưng ảnh hưởng của thảm kịch vẫn
còn cho tới ngày nay, ám ảnh những người còn sống sót và lực lượng cứu hộ. Đây
chính là hành động khủng bố nhắm vào người Mỹ chết chóc nhất cho tới sự kiện 11/9, với
con số chính thức là 918 người chết, và 1 phần 3 trong số đó là trẻ em.
Tất cả mọi thứ đều được gây ra bởi một giáo phái, có tên gọi là Peoples
Temple (Đền thờ Nhân dân).
Peoples Temple
Peoples Temple
được thành lập năm 1956 và nó đã bắt đầu như một nhánh của nhà thờ với các hoạt
động thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo tại Hoa Kỳ. Nó được thành lập ở bang
Indiana bởi Jim Jones, một nhà truyền giáo, và được chuyển tới California 10
năm sau.
Vì mục đích tốt đẹp đó mà Peoples Temple nhận được sự ủng hộ của quần chúng và thu hút sự tham gia của nhiều tín đồ. Tuy nhiên, đằng sau đó là một âm mưu khủng khiếp của Jim Jones mà không ai ngờ tới.
Sự
ra đời của Jonestown
Vào năm 1973,
các hoạt động của PT càng ngày càng bị nghi ngờ bởi các cơ quan chức năng và đỉnh
điểm là họ bị réo tên bởi phát thanh viên có tiếng Lester Kinsolving, và 8
thành viên của PT đã đào tẩu. Để đối phó với cảnh sát và truyền thông. Jim
Jones và một số người khác đã lên kế hoạch để chạy trốn. Guyana đã được lựa chọn.
Năm 1974, sau
khi thuê được một khu đất rộng 1500ha trong khu rừng cách thủ đô Georgetown của
Guyana 240km về phía Tây, một khu định cư mới được thành lập bởi PT, lấy tên là
Jonestown. Địa điểm này bị cô lập bởi rừng, phù hợp cho những hoạt động phi
pháp của PT.
Do tất cả mọi thứ đều phải được chuyển tới từ Hoa Kỳ nên việc xây dựng nơi định cư được tiến hành rất chậm. Cho tới hết năm 1976, chưa đầy 50 người sống ở Jonestown và bản thân người lãnh đạo PT, Jones, lại ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên vào đầu năm 1977, khi Jones biết rằng giới truyền thông đang chuẩn bị xuất bản những câu chuyện thu được sau khi phỏng vấn những người từng đào tẩu khỏi PT, hắn đã cố gắng thỏa thuận việc nhập cư hàng loạt hàng trăm người tới Guyana và đã được quan chức ở đây đồng ý. Ngay trong đêm trước khi những bài báo được xuất bản, Jones cùng với hàng trăm tín đồ PT đã bay tới Guyana và di chuyển tới Jonestown.
Ở
Jonestown
Mặc dù những
thành viên PT đã hi vọng rằng nơi họ tới sẽ giống như một thiên đường thực thụ,
tuy nhiên, khi họ tới, những gì họ nhận được là những khu nhà ở tạm bợ, sinh hoạt
rất khó khăn và còn không đủ chỗ để ngủ về đêm. Hàng chục người chen chúc nhau
trong một diện tích chỉ bằng căn phòng, và nhiệt độ và độ ẩm cao đã khiến cho
nhiều người bị bệnh. Không ai có thể liên lạc ra thế giới bên ngoài.
Không những vậy,
họ còn phải lao động gần nửa ngày liên tục ở nông trường. Họ còn phải liên tục tham gia các lớp
học tuyên truyền về những điều tiêu cực tại Hoa Kỳ. Jones từng so sánh lịch
trình làm việc và học tập ở đây giống với Triều Tiên, đồng nghĩa với việc thành
viên của PT và con cái của họ sẽ dần bị áp đặt vào sự kiểm soát tâm lý, dẫn tới
bị kiểm soát hành vi.
Mặc dù có nhiều
người thích sống ở đó, tuy nhiên số đông lại muốn rời khỏi. Tuy nhiên kể cả họ
có muốn hay không thì xung quanh cũng chỉ toàn rừng rậm, và việc ra vào phải được
thông qua bởi chính Jim Jones.
Jones thì lại không muốn ai rời cả. Hắn muốn đào tạo ra một thế hệ để phá hoại nước Mĩ và tất nhiên điều này phải được thực hiện trong bí mật.
Vụ
tấn công sân bay
Năm 1978, Leo
Ryan, một nghị sĩ tại California thông báo rằng ông sẽ tới Jonestown xem tình
hình ở đó. Một người bạn của ông là cha Bob Houston, một thành viên của PT, đã
được phát hiện đã chết vào ngày 5/10/1976, chỉ ba ngày sau khi cuộc nói chuyện
của ông trên điện thoại với vợ cũ của mình, trong đó bàn về việc rời khỏi PT,
được ghi âm lại. Trong những tháng tiếp theo, Ryan càng ngày càng nhận được nhiều
lời tố cáo về PT, và ngày 14/11/1978, ông đã bay tới Jonestown cùng với một
phái đoàn bao gồm một số quan chức và rất nhiều phóng viên.
Khi tới Jonestown, Ryan cho biết ông sẽ sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai muốn rời khỏi đó và về Hoa Kỳ. Chỉ có vài người chấp nhận lời đề nghị do lo sợ sự phản ứng của Jim Jones. Và đúng như vậy, vào ngày 18/11/1978, trên đường ra sân bay, Leo Ryan cùng với đoàn người của ông đã bị các thành viên PT tấn công. Một vụ nổ súng đã diễn ra, Ryan cùng với bốn nhà báo thiệt mạng. Những người còn lại đã xoay sở để chạy thoát tới Georgetown. Một vài chi tiết của vụ nổ súng đã được ghi lại bởi phóng viên đài NBC Bob Brown, một trong số người thiệt mạng. Bạn có thể xem video đầy đủ tại đây.
Một phần trong đoạn ghi hình của Bob Brown, cho thấy các tay súng nhảy ra khỏi xe kéo và xả súng |
Vụ thảm sát
Cùng lúc đó ở
Jonestown, Jim Jones đã tập hợp mọi người lại. Hắn bảo mọi người rằng một nghị
sĩ từ Hoa Kỳ đã bị tấn công, vì vậy Jonestown không còn an toàn nữa. Hắn lo sợ
rằng chính phủ của cả 2 nước sẽ phản ứng trước vụ việc.
“Khi họ tới đây,
họ sẽ bắn vào con cháu của chúng ta. Họ sẽ tra tấn những đứa trẻ và chúng ta sẽ
không thể chịu được điều đó…”.
Sau khi kích động được mọi người, hắn cho mang tới những bình lớn, trong đó là chất độc cyanide được pha sẵn. Một số người tự nguyện, số còn lại bị ép buộc, uống thứ chất độc đó. Những đứa trẻ còn chưa đủ nhận thức thì bị ép uống bằng xi lanh và phễu.
Những lọ thuốc độc được sử dụng ở Jonestown |
Họ mất khoảng 5 phút để tử vong hoàn toàn.
Hậu
họa
Khi quân đội
Guyana tới Jonestown ngày hôm sau, họ bị bao quanh bởi một khung cảnh kì lạ, im
lặng tới đáng sợ, như thể thời gian đã bị đóng băng. Xác chết chồng chất khắp
nơi. Tuy vậy, vẫn còn có những người sống sót, nhờ trốn vào rừng khi vụ đầu độc
diễn ra. Một người phụ nữ lớn tuổi khác, đã ngủ trong suốt vụ việc và thức dậy
để thấy tất cả mọi người đã chết. Jim Jones cũng đã được phát hiện đã chết với
một phát súng vào đầu mà ai cũng biết là do hắn tự sát. Peoples Temple coi như
đã sụp đổ sau ngày 18/11/1978.
Thời tiết và độ ẩm tại Jonestown đã khiến cho những thi thể bị phân hủy nhanh và bốc mùi hôi thối. Thứ mùi của hàng trăm thi thể vẫn là thứ ám ảnh những người tham gia lực lượng cứu hộ. Những quan tài bằng thiếc đã được chuẩn bị để đưa tất cả về nước, và từng cái một đều được khử độc.
Tới tháng 4/1979, hơn 300 thi thể đã được gia đình nhận lại. Tuy nhiên, hơn 500 thi thể còn lại vẫn không được như vậy do gia đình những nạn nhân không thể trả một số tiền quá cao để vận chuyển – gần 500 dollar. Thậm chí nhiều nghĩa trang cũng không muốn dính líu tới PT vì vậy họ không nhận quan tài. Cuối cùng, ở Oakland, một nghĩa trang đã đồng ý chôn cất toàn bộ.
Mạng lưới Nhận
thức giáo phái (CAN) đã được thành lập, với sự tham gia của nhiều người có ảnh
hưởng, bao gồm con gái của nghị sĩ Leo Ryan, Patricia. CAN được lập ra để quét
sạch những tàn dư của Peoples Temple, và còn để điều tra và đấu tranh với một
loạt các giáo phái khác như The Family International và Scientology, và nổi tiếng
nhất là Branch Davidians, tổ chức này đã bị FBI tấn công trong vụ bao vây Waco
khét tiếng năm 1993. Sau những lần vấp phải những vấn đề pháp lý, CAN tuyên bố
giải tán năm 1996.
Hằng năm, những hoạt động tưởng niệm dành cho những người đã chết vẫn được tổ chức ở Oakland. Suy cho cùng, những người đã chết cũng là nạn nhân, và là nạn nhân của sự hoang tưởng và sự tẩy não bắt nguồn từ những hoạt động của Jim Jones.