Little Boy và Fat Man
Ngày 6 và ngày 9/8/1945 mãi mãi đi vào lịch sử Nhật Bản cũng như lịch sử thế giới như những cột mốc lịch sử đau thương nhất, đồng thời cũng là lời nhắc nhở cho toàn nhân loại về sự khủng khiếp của chiến tranh mà nó mang lại, cũng như cái giá của hòa bình. 2 quả bom nguyên tử mang tên Little Boy và Fat Man đã phát nổ trên bầu trời Nhật Bản lần lượt ở thành phố Hiroshima và Nagasaki, giết chết hơn 200 ngàn người, chủ yếu là dân thường. Đó được xem là đòn tấn công cuối cùng trước khi chính quyền phát xít Nhật chấp nhận đầu hàng quân Đồng Minh.
Thành phố Hiroshima vài giờ sau vụ nổ Little Boy |
Tuy nhiên, ngay cả sau
khi quả bom thứ hai đã phát nổ trên bầu trời Nagasaki, Nhật Bản vẫn chưa cho thấy
dấu hiệu nào là sẽ đầu hàng.
Trong khi đó, ở
Mĩ, một quả bom thứ ba đã sẵn sàng. Mục tiêu lần này là tấn công thẳng vào
Tokyo – sào huyệt cuối cùng của Đế quốc Nhật Bản.
Từ Rufus…
Trái tim của quả
bom thứ ba này là một cái lõi, một khối vật chất phóng xạ plutonium mang tên
“Rufus”. Quả bom được dự định sẽ mở ra một cánh cổng địa ngục ở Tokyo và lôi một
phần ba dân số thành phố xuống đó, và Rufus, một khối cầu nặng 6kg, là thứ đem
lại sức mạnh hủy diệt đó.
Nhưng cuối cùng điều đó đã không xảy ra, ngày 15/8/1945, Nhật hoàng Hirohito đã tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh trên đài phát thanh. Quả bom thứ ba đã không được sử dụng, và vì vậy Rufus đã được giữ lại ở phòng thí nghiệm Los Alamos (New Mexico) để tiếp tục nghiên cứu và phục vụ cho một dự án hạt nhân khác.
Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos |
Ở thời điểm đó,
Mĩ đang là nước duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng khi họ biết rằng Liên Xô
cũng đang phát triển những dự án hạt nhân của mình, người Mĩ nhận thấy rằng họ
càng phải làm vũ khí của họ mạnh hơn, hiệu quả hơn. Mặc dù gây ra sự tàn phá lớn,
nhưng 2 quả bom được sử dụng ở Nhật Bản thậm chí còn chưa phát huy tối đa sức mạnh
của nó. Đó là lí do các nhà khoa học hạt nhân ở Los Alamos phải nhanh chóng
nghiên cứu để khiến cho Rufus (cái lõi) đạt tới giới hạn sức mạnh của nó.
…tới Lõi Quỷ
Harry Daghlian
là một nhà khoa học trẻ 24 tuổi đang làm việc ở Los Alamos. Anh tham gia vào dự
án phát triển vũ khí hạt nhân (dự án Manhattan) ở Mĩ từ năm 1943 và cũng như những
đồng nghiệp của mình, anh cũng nhận thấy rằng những quả bom ở Nhật Bản đã không
phát huy tối đa sức mạnh của nó. Vì vậy Daghlian mong muốn hoàn thành thí nghiệm
càng sớm càng tốt.
Buổi tối ngày
21/8/1945, sau khi ăn tối, Daghlian quay trở về phòng thí nghiệm để tiếp tục
nghiên cứu Rufus. Anh đã vi phạm những quy định tại đây khi thực hiện thí nghiệm
một mình mà không còn ai khác hỗ trợ, giám sát ngoài một nhân viên bảo vệ bên
ngoài.
Anh đã đặt những viên gạch làm bằng wolfram xung quanh Rufus, đó là một cách để đưa lõi plutonium đạt tới giới hạn của nó. Mật độ dày đặc của các phân tử wolfram sẽ phản xạ các neutron phát ra từ plutonium quay trở lại cái lõi và tiếp tục phân tách các nguyên tử, và khi các nguyên tử plutonium được phân tách, chúng lại giải phóng neutron về phía các viên gạch volfram. Khi quá trình này lặp đi lặp lại, nó càng gia tăng tỉ lệ phân tách nguyên tử trong lõi, và sẽ đưa lõi đạt tới giới hạn sức mạnh của nó. Để đảm bảo an toàn, Daghlian đã đặt một cái đồng hồ đo bức xạ trong lúc xếp cách viên gạch wolfram xung quanh Rufus.
Chiếc đồng hồ
kêu lên dữ dội khi bức tường wolfram cao lên 25cm, vì vậy Daghlian vội rút một
viên gạch ra ngoài. Nhưng lúc đó, anh đã lỡ làm rơi nó lên trên chính cái lõi,
và sai lầm đó đã giết chết anh.
Một luồng ánh
sáng xanh lóe lên cùng với một luồng nhiệt, Daghlian vội vã dùng tay nhặt từng
viên gạch wolfram ra khỏi Rufus. Nhưng anh, và cả người bảo vệ đã hấp thụ một
lượng phóng xạ cực lớn đủ để giết người.
Daghlian đã
nhanh chóng có những triệu chứng nhiễm xạ cấp tính, và chỉ sau 3 tuần, anh qua
đời trong bệnh viện. Người lính gác cũng qua đời 33 năm sau vì bệnh ung thư máu
gây ra bởi phóng xạ.
9 tháng sau
Sau vụ tai nạn dẫn
tới cái chết của Harry Daghlian, phòng thí nghiệm Los Alamos đã siết chặt các
quy định an toàn. Tuy nhiên nó cũng không đủ để ngăn chặn thêm một vụ tai nạn
chết người khác, lần này còn nghiêm trọng hơn.
Ngày 21/5/1945, tức là tròn 9 tháng sau vụ tai nạn đầu tiên, Louis Slotin, cũng là một nhà vật lí hạt nhân, đang cố gắng tái hiện thí nghiệm của người đồng nghiệp của mình. Nhưng lần này để an toàn hơn thì anh không sử dụng các viên gạch wolfram bao xung quanh cái lõi nữa, mà đặt thẳng lên trên nó một cái vòm làm bằng beryllium. Nó cũng là một vật liệu phản xạ neutron. Ngoài ra anh còn kê một cái tua vít ở giữa 2 khối vật chất, nó đóng vai trò như một nơi để neutron có thể thoát ra ngoài, tránh lặp lại sai lầm của Daghlian.
Tuy nhiên ngày
hôm đó, trong phòng thí nghiệm còn có tới 7 nhà khoa học khác và một nhiếp ảnh
gia. Nói cách khác, tính mạng của tất cả mọi người trong phòng phụ thuộc vào một
cây tua vít. Slotin đã làm thí nghiệm nhiều lần và chưa hề có sự cố nào xảy ra
cả, nhưng hôm đó thì có.
Chiếc tua vít bị
tuột khỏi tay của Slotin và vòm beryllium ụp xuống quả plutonium. Một luồng ánh
sáng xanh lóe lên, đó là hiệu ứng Cherenkov diễn ra khi các neutron đi xuyên
qua không khí, và một luồng nhiệt phả vào tất cả mọi người trong căn phòng. Để
cứu vãn tình thế, Slotin đã lật cái tua vít lên và dùng tay không để nhấc cái
vòm beryllium ra, như vậy là anh đã hấp thụ lượng phóng xạ chết người. Nhưng
hành động đó cũng chẳng cứu được những người khác trong phòng, họ đều bị nhiễm
xạ và 3 trong số đó đã chết nhiều năm sau. Riêng Slotin thì đã phải chịu đau đớn
9 ngày trước khi tử vong.
Hai vụ tai nạn chết người với plutonium diễn ra trong vòng 1 năm cuối cùng đã chấm dứt hoàn toàn các thí nghiệm thủ công với nó. Thay vào đó, các nhà khoa học lúc này buộc phải sử dụng máy móc điều khiển từ xa, và chỉ được phép thao tác gián tiếp tới cái lõi ở khoảng cách hàng trăm mét.
Harry Daghlian và Louis Slotin |
Cái tên Rufus cũng đã
bị xóa bỏ. Từ đây, nó chỉ được nhắc tới với cái tên “Lõi quỷ”.
Cái kết
Lõi quỷ vốn được dự định để sử dụng trong các cuộc thử nghiệm hạt nhân năm 1946 tại quần đảo Bikini, còn có tên là Chiến dịch Crossroad. Nhưng sau 2 vụ tai nạn, lượng phóng xạ nó phát ra tăng lên đáng kể và cần phải có thời gian để nó giảm đi. Nó là một trong 3 quả bom trong Chiến dịch Crossroad, cùng với 2 quả bom còn lại là Able và Baker, và nó là Charlie. Tuy nhiên, sau vụ thử Baker, mức phóng xạ nó để lại là quá lớn, tới nỗi kế hoạch thử Charlie bị hủy bỏ. Cái lõi sau đó đã bị nấu chảy và được tái chế cho các lõi khác sau này, kết thúc hành trình chết chóc của nó.
Vụ thử Baker ngày 24/7/1946 |